Tai nạn giao thông đâu phải chỉ tại rượu, bia?
Tai nạn giao thông đâu phải chỉ tại rượu, bia?
Cập nhật ngày : 04/05/2015 22:25 GMT+7
Tai nạn giao thông đâu phải chỉ tại rượu, bia?
Lâu nay, các vụ tai nạn giao thông người ta thường đổ lỗi do uống rượu, bia, tuy nhiên không ít vụ tai nạn giao thông lại do các tác nhân khác gây nên như đường xấu, che khuất tầm nhìn, thiếu cảnh báo, đặc biệt là do lỗi chủ quan của người điều khiển ô tô, xe máy như nghe điện thoại khi lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường…

80% số vụ tai nạn do chủ quan, bất cẩn

 

Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông là do phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường. Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, có đến 80 % số vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông chủ quan, bất cẩn.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2011, Hà Nội đã có tới hơn 240 người chết, gần 100 người bị thương trong khoảng 300 vụ TNGT. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ phương tiện đi sai phần đường, thiếu chú ý quan sát, đi quá tốc độ, lạm dụng rượu bia, chở hàng cồng kềnh... Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 7 người chết tại chỗ, 2 người chết sau khi đi cấp cứu xảy ra tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín vào ngày 30/3/2011 là minh chứng cho sự bất cẩn của lái xe ô tô. Do mải nghe điện thoại nên khi qua đường ray, chiếc ô tô này đã bị tàu đã bị tàu SE8 đâm vào đuôi xe gây tai nạn thảm khốc.

 

Theo Công an Hà Nội, trong các tháng đầu năm, những tuyến quốc lộ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông như quốc lộ 1A, quốc lộ 32, quốc lộ 21B và đường Hồ Chí Minh. Hiện nay, trên các tuyến đường mới mở rộng, nâng cấp thường xảy ra các tai nạn bất ngờ. Do đường bóng nhẵn, người tham gia giao thông thường chủ quan phóng nhanh, trong khi đó người dân từ hai bên đường ra vào quốc lộ, tỉnh lộ lại thiếu quan sát nên dễ xảy ra tai nạn.

 

Một trong những nguyên nhân nữa là trong kinh doanh vận tải, do chủ phương tiện thường khoán thời gian chạy trên hành trình hoặc khoán doanh thu cho lái xe khách, khoán chuyến cho lái xe tải… nên đã gây sức ép cho lái xe. Đó là một trong những nguyên nhân chính của các tai nạn giao thông do lái xe khách liên tỉnh và các lái xe chở đất đá, vật liệu xây dựng gây ra. Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong 5 tháng gần đây trên địa bàn thành phố đã xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông do xe tải gây ra, trong đó có 66 vụ nghiêm trọng làm chết 71 người, 25 người bị thương. Các tuyến đường vành đai, hướng tâm là khu vực thường xảy ra các vụ TNGT. Ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (vành đai 3) được ví như ngã tư tử thần, bởi chỉ trong 7 ngày cuối tháng 2/2011, tại đây đã có 3 người chết vì xe tải. Đây là nút giao thông có nhiều xe tải hoạt động nên nguy cơ tai nạn rất cao.

 

Ngoài ra, có những vụ TNGT do đường xá xuống cấp, che khuất tầm nhìn, thậm chí có những tuyến đường đẹp cũng liên tục xảy ra tai nạn. Công chúng vẫn không thể quên vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra tại đoạn đường gần cổng bến xe Nước Ngầm hướng đi từ đường Pháp Vân ra Giải Phóng. Chiếc xe tải biển số 30Y-3842 đâm phải chiếc xe máy nhãn hiệu Wave RSX biển số 17M3-8360 đi cùng chiều, khiến 3 người ngồi trên xe máy (trong đó có 2 trẻ con) tử nạn.

 

Thời gian vừa qua, trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do nổ lốp xe, tài xế chạy quá tốc độ. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, từ khi đưa vào sử dụng (ngày 3/2/2010) đến nay đã xảy ra gần 4.300 vụ xe nổ lốp, chết máy trên đường cao tốc. Trong đó nguyên nhân chủ yếu do xe chạy quá tốc độ, chở quá tải, chất lượng kỹ thuật xe không bảo đảm…

 

VBA khuyến cáo “Không uống rượu bia khi lái xe”

 

Theo Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, nhờ triển khai nhiều biện pháp nên tai nạn giao thông trong 3 năm gần đây trên toàn quốc giảm được 5,4%, số người chết giảm 13,2%, số người bị thương giảm 6%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, tai nạn giao thông giảm chưa đáng kể do nhiều nguyên nhân như số người không đội mũ bảo hiểm tăng; khoảng 10% số vụ tai nạn giao thông đường bộ do người điều khiển sử dụng rượu, bia quá nồng độ; chưa xử lý kịp thời tình trạng thanh thiếu niên vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý, đăng ký phương tiện giao thông còn sơ hở; hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ vẫn bị lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm nghiêm trọng…

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm bớt tai nạn giao thông như tăng cường xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia quá liều lượng qui định; lái ô tô, xe máy vi phạm tốc độ lưu thông; không đội mũ bảo hiểm. Tiến hành tổng kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ. Nâng cao hiệu quả giáo dục về an toàn giao thông; tích cực thông tin, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Ngăn chặn sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng…

 

Không ít thanh thiếu niên hiện nay do thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và pháp luật nên đã vi phạm Luật An toàn giao thông. Chỉ trong tháng 5/2011, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện và xử lý gần 1.200 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật GTĐB cũng gia tăng nghiêm trọng.

 

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do ô tô gây ra, nguyên nhân là do lái xe ô tô chưa được huấn luyện cẩn thận, việc cấp bằng lái xe còn nhiều sơ hở cũng như chế tài đối với lái xe gây TNGT, nhất là làm chết người chưa thật nghiêm. Nguyên nhân xe ô tô gây tai nạn chủ yếu do lái xe ẩu, tay lái non, không thành thạo thao tác lái xe, không làm chủ được tốc độ và quỹ đạo bánh xe trên phố đông người. Ngoài ra, cũng không loại trừ lái xe ô tô “điên” do say rượu bia hoặc nghiện ma tuý… Đối với lái xe cần thực hiện nghiêm túc “ba không”: không vi phạm tốc độ, không vi phạm cự ly an toàn và không uống rượu bia khi lái xe.

 

Có thể nói, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhằm giảm tai nạn giao thông cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ sở hạ tầng, tuần tra, kiểm soát, xử lý, trong đó ý thức của người tham gia giao thông có tính quyết định. Hiện nay, Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam đang đưa ra khuyến cáo “Không uống rượu bia khi lái xe”. Đây là trách nhiệm của các nhà sản xuất ngành Rượu – Bia góp phần giảm tai nạn giao thông.